MỖI NGÀY LÀ MỘT NGÀY TRINH NGUYÊN

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

 
"Thiếu chữ Tâm khó có thể lay động được trái tim khách hàng. Chữ Tâm không chỉ là đạo đức, văn hóa mà còn là chiến lược phát triển lâu dài cho doanh nghiệp…Doanh nghiệp cũng là một chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Doanh nghiệp phải có đủ tâm, đủ tầm, đạo đức, văn hóa để góp xây dựng đất nước công bằng dân chủ văn minh".
Đó là lời phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại Hội thảo “Chữ Tâm trong kinh doanh được tổ chức ngày 12/04/2009 tại khu Du lịch Phương Nam. Tham luận của các quan chức, tăng ni, tri thức và doanh nghiệp cho rằng, cần nêu cao chữ Tâm trong quá trình phát triển của Doanh nghiệp, cần đặt chữ Tâm xây dựng sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và đây cũng chính là nền tảng để giải quyết những khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay. 
Ngày nay, chỉ cần lật một tờ báo hay mở Internet là chúng ta sẽ thấy tràn lan thông tin về những chuyện bạo lực, cướp bóc, hành hung, giết người, lừa đảo, tham nhũng…

Và chúng ta cũng được nghe bàn về chữ Tâm rất nhiều.
Phải chăng, chúng ta thường nói nhiều về điều chúng ta đang khao khát, thiếu thốn?
Vậy Tâm là gì?

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Thật vậy, bất kỳ một công việc nào cũng cần có cái Tâm, từ việc lớn như lãnh đạo quốc gia, đứng đầu một tôn giáo…, cho đến việc làm cha mẹ, nấu ăn, bảo vệ, rửa chén, quét đường…
Bất cứ một việc nào chúng ta làm đều là để tạo ra giá trị cho cuộc sống. Giá trị ấy không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân chúng ta mà còn sinh ích cho nhiều người khác. Thế nên ta gọi đó là phục vụ. Phục vụ là một lẽ đương nhiên trong cuộc sống, chẳng phải là đòi hỏi gì quá lớn lao. Đơn giản, đó chính là tinh thần trách nhiệm trong công việc mình làm, trách nhiệm với việc mình được giao phó. Bởi trong bất cứ một công việc nào cũng có những giá trị, qui định, chuẩn mực mà bất kỳ ai đảm nhận đều phải cam kết tuân thủ. Tinh thần trách nhiệm ấy được thể hiện qua cách chúng ta thực việc công việc, bất kể hoàn cảnh hay cảm xúc vẫn tuân theo cam kết, và lúc nào cũng muốn chất lượng công việc của mình tốt hơn. Đó là có Tâm trong công việc.

Vì thế, chúng ta chẳng cần nói ra là chúng ta làm việc có Tâm. Tâm biểu hiện qua hoạt động, hành vi và cách ta sống. Khi chúng ta gào lên rằng: “Tôi có Tâm!” là lúc chúng ta vẫn còn chưa ý thức hết biểu hiện của Tâm trong cuộc sống. Bạn chẳng cần nói là bạn đang thở, bởi ai cũng biết nếu ngừng thở thì bạn đã chẳng còn sống nữa. Bạn chẳng cần nói là bạn đang rất hạnh phúc, lời nói này là thừa, là vô nghĩa trong khi toàn thân bạn đã toát lên sự bình an, viên mãn. Bạn cũng không cần so sánh Tâm của mình với Tâm của người khác bởi bạn chẳng thể tự đánh giá cái Tâm của mình được. Điều đó thuộc sự đánh giá của người bên ngoài, của những người nhận được sự phục vụ của bạn, hưởng nhờ những giá trị bạn mang lại.

Cuối cùng, phần thưởng lớn nhất dành cho người có Tâm là cảm nhận được bình an trong công việc, vì họ biết rằng mình đang phụng sự cuộc sống theo đúng lẽ của người chân chính.
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét