Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013
CÂU CHUYỆN ĐẠI BÀN VÀ GÀ
Có chú đại bàng sinh ra trong một ổ gà. Hàng ngày chú được mẹ gà dạy cho mọi chuẩn mực mà một chú gà cần có. Chú đi trên mặt đất, ăn thóc lúa, bới đất tìm sâu. Tất nhiên chú cũng được gọi là “gà”. Bỗng một ngày, nhìn lên bầu trời chú thấy một thằng giống hệt mình đang bay lượn trên không trung rất đẹp. “Liệu mình có thể bay như thế?”. Chú nhảy lên một mỏm đá tập bay. Chú ngã khiến chân tay trầy xước. Mẹ gà hốt hoảng: “Bay á, con là gà cơ mà. Đừng có cái tư tưởng quái đản đó trong đầu nữa”. Chú nghe lời mẹ và tiếp tục “ăn quẩn cối xay” cùng các anh chị em gà. Rồi một ngày kia, chú lại lâng lâng khi thấy cái đứa giống mình bay lượn trên cao. Lần này, chú nhảy lên một mỏn đá cao hơn và tập. Chú lại ngã khiến chân tay không những trầy xước mà đầu còn bị u một cục to. Mẹ chú, anh chị em của chú lao đến: “Con là gà, gà sao lại bay được. Đừng điên rồ như vậy nữa đi”. Chú lại nghe lời mẹ. Và lần thứ 3, khi lại thấy cái đứa giống hệt mình bay lượn trên bầu trời, sải cánh rộng, cả thân hình lơ lửng trên không trung hoành tráng, đẹp lộng lẫy. Chú lại nhảy lên mỏm đá cao tập bay. Và lần này không chỉ mẹ chú, các anh các chị chú mà cả các bác, các cụ gà lớn tuổi khuyên can chú với cùng một điệp khúc: “Cháu là gà cháu mà, gà thì không thể bay”.
Chú đại bàng nhỏ sẽ làm gì tiếp theo?
Chú sống như một chú gà và chết như một chú gà?
Trong mỗi cá nhân chúng ta đều có một chú đại bàng như vậy, một thiên tài tiềm ẩn. Khốn nỗi chúng ta không dám vượt qua nghịch cảnh, vượt qua thử thách, không dám chấp nhận tổn thương để được ban thưởng, không dám chấp nhận tổn thương lớn để làm những việc phi thường. Hơn thế việc giáo dục của gia đình, nhà trường thường lấy sự an toàn làm mục tiêu trên hết. Thậm chí nhiều người còn cho rằng con mình không phải ngọ nguậy tay chân, chỉ ngồi mát ăn bát vàng mới là đẳng cấp. Chúng ta đang tạo những chú gà công nghiệp được nuôi trong lồng kính. Những chú gà chỉ biết khiếp đảm núp dưới cánh mẹ mỗi khi thấy một quạ nhỏ bay qua, chứ đừng nói gì đến chuyện chịu ngã đau để bay cao. Hiện nay, có quá nhiều người trẻ nhưng rất “bấy” (tính tình yểu điệu, sức khỏe ẻo lả), đụng đến cái gì cũng lắc đầu quầy quậy “không phải tui”. Cần cái gì thì động tác duy nhất là ngửa tay xin. Xã hội đang tạo ra một loại “ăn mày lồng kính”, “ăn mày tại gia”. Đặc biệt “ăn mày tại gia” lại “phá gia chi tử”. Những người trẻ tuổi được bố mẹ để lại gia tài đầy đủ, chưa học xong đại học đã xài xe con. Nhưng chỉ được một thời gian khi bố mẹ không còn chức quyền thì lại tay trắng "Con hơn cha là nhà có phúc", Vô phúc thay những đại gia... Biết bao người nhờ được đền bù giải phóng mặt bằng giàu lên rất nhanh nhưng chỉ một thời gian thì con nghiện game, bố rượu chè, karaoke và kết cục lại nguyễn y vân, vẫn y nguyên là nghèo đói. Không những thế còn khuynh gia bại sản thảm hại hơn trước rất nhiều.
Thế giới hiện đại ngày càng khắc nghiệt và khốc liệt hơn. Khủng hoảng kinh tế dồn dập hơn, kéo dài hơn, rồi sóng thần, bão lớn… Thông minh logic IQ ngày càng nhường chỗ cho thông minh cảm xúc EQ (Emotional Intelligence). Và đặc biệt là thông minh vượt nghịch cảnh AI (Adversity Intelligence), ý chí sắt đá, kiên cường luôn đổi mới, dám vượt qua chính mình dũng cảm vươn lên khẳng định đẳng cấp ngày càng được đề cao.
Mới đây, tạp chí Time đã công bố danh sách 100 người có ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới. Họ ảnh hưởng đến thế giới bằng tính cách mãnh liệt, kiên trì sáng tạo, đổi mới, đặc biệt là khả năng vượt nghịch cảnh, đeo bám mục đích đến cùng. Chết cũng lết đến đích. Trong số đó có, Kanno, một bác sĩ 31 tuổi, đã giúp nhiều bệnh nhân di chuyển lên tầng cao nhất của một bệnh viện ở tỉnh Miyagi khi nghe cảnh báo sóng thần, động đất hôm 11/3. Anh đã quyết liệt vượt nghịch cảnh chiến đấu đến cùng để người tất cả bệnh nhân được chuyển đến nơi an toàn.
Ý chí là cái còn thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi ta mất hết!
Trong cuốn sách nổi tiếng về cuộc đời thực của mình mang tên “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”, tác giả Chu Ju Yung, chủ tịch tập đoàn Huyndai, Hàn Quốc, có nhắc đến một loài vật đặc biệt, đó là con rệp. Sở dĩ ông ấn tượng với loài vật vốn không được sạch sẽ, thanh cao này chỉ là vì cách chúng kiếm ăn. Khi ông nghĩ những con vật gớm ghiếp đó sẽ không thể nào cắn mình được nữa sau hàng loạt những “mưu kế” chống rệp: kê giường lên cao, đặt bát nước ở mỗi chân giường nằm… thì ông đã phải ngạc nhiên và kính phục khi nhìn thấy chúng đua nhau treo mình xuống người ông từ trần nhà. Chúng không từ bỏ mục tiêu luôn kiên định tìm ra những giải pháp mới, những con đường mới. Ông lấy đấy là tấm gương để nung nấu khát vọng kiên định gây dựng sự nghiệp của mình.
Edison nhà khoa học sáng tạo nhất trong mọi thời đại đã tuyên bố “99% thành công là do mồ hôi nước mắt”. Ông đã kiên định vượt qua 10.000 lần thất bại để có bóng đèn bừng sáng trong mỗi gia đình chúng ta. Khổ luyện thành tài. Có công mài sắt có ngày nên kim. Các nhà khoa học đã chỉ rõ: “Những người xuất chúng” trong bất kỳ một lĩnh vực gì đều trải qua quá trình rèn dũa mỗi ngày kiên trì 3 giờ, và ít nhất kiên định 10 năm liên tục để đạt được những thành công xuất sắc vượt trội. Nước chảy đá mòn. Có công mài sắt có ngày nên kim. Khổ luyện thành tài!
Việt nam ta có bao gương trẻ kiên định phấn đấu đạt đỉnh cao thành công: Ngô Bảo Châu, Philipp Roesler (một đứa con rơi gốc Việt làm phó thủ tướng, chủ tịch một đảng của nước Đức hùng cường), Đặng Thái Sơn, … Mỗi chúng ta sinh ra đều có một chú đại bàng, một thiên tài bẩm sinh ẩn náu bên trong. Chúng ta cũng đã từng thành công, nhưng thường chỉ “lóe lên” rồi “vụt tắt”. Ta quá năng động đến mất cả tính kiên định theo đuổi cái mình đam mê, cái tài năng thiên phú. Ta hay “Cả thèm chóng chán”, “đứng núi này trông núi nọ”, “chóng bốc chóng tàn”, “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”, “tiền hậu bất nhất”.
Gạo tiền bao nhiêu tiêu cũng hết, Ý chí kiên cường - Mỏ kim cương.
“Lửa thử vàng gian nan thử sức”. “Có qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. “Ví thử cuộc đời bằng lặng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Nhất là trong thời đại ngày nay khi “Thương trường là chiến trường” và “phi thương bất phú” thì “ý chí kiên cường” quả là một “mỏ kim cương” đích thực. Biết bao người mất hết tài sản, thậm chí còn vào tù ra tội thế mà rồi lại tay trắng làm nên.
Kiên trì không chưa đủ mà phải kiên định hướng đích, “Chết cũng phải lết đến đích”. Kim chỉ nam để thành đạt đã được ông cha ta đúc kết: “Có chí thì nên”, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét